Kinh nghiệm học tiếng Nhật hiệu quả

Theo đánh giá của nhiều người học ngoại ngữ, việc học tiếng Nhật là một trong những ngôn ngữ khó nhất thế giới. Ngoài việc các bạn tham gia học ở các trung tâm đào tạo ra thì việc tự học cũng rất quan trọng. Tuy nhiên nếu không biết tận dụng những kinh nghiệm học tiếng Nhật quý báu từ những giảng viên, những người học trước thì việc học sẽ rất khó khăn, và tốn khá nhiều thời gian. Nhiều người còn không xác định rõ được mục đích học tiếng Nhật của mình là gì, khiến cho bản thân dễ chán nản khi bắt đầu học tiếng Nhật. Bên cạnh đó, còn có nhiều người học tiếng Nhật nhưng lại không biết vận dụng chúng trong cuộc sống như thế nào. Với những vấn đề trên, hôm nay Trí Việt SSD sẽ hệ thống lại cho các bạn kinh nghiệm cơ bản nhất để học tiếng Nhật sao cho có hiệu quả tốt nhất. Từ đó các bạn sẽ có được kim chỉ nam riêng cho bản thân tham gia tốt các khóa học cũng như những cuộc thi năng lực về tiếng Nhật.

KINH NGHIỆM HỌC TIẾNG NHẬT | HỌC BẢNG CHỮ CÁI

HỌC CHỮ HIRAGANA VÀ KATAKANA

 

Đối với tiếng Nhật, kiến thức nền tảng chính là 2 bảng chữ cái: Hiragana, Katakana. Thế nên việc trước tiên cần làm là bạn phải học thuộc hai bảng chữ cái này càng nhanh càng tốt.

 3 cách học bảng chữ hiragana và katakana hiệu quả nhất:

Cho trí tưởng tượng bay xa

Ví dụ: chữ a trong Hiragana – chúng ta tưởng tượng hình 1 con chim đang mang thai.

Còn chữ a trong Katakana – chúng ta tưởng tưởng đến hình tượng một chiếc ăngten.

Cứ như thế mỗi chữ cái bạn tự tưởng tượng ra một con vật, đồ vật hay một đồ dùng quen thuộc thường nhật trong cuộc sống bạn sẽ dễ dàng nhớ chúng nhanh và lâu hơn. Nào bắt đầu tưởng tượng thôi!

Tập “gym” cơ tay

Học bảng chữ cái tiếng Nhật bằng cách viết thật nhiều. Đây là cách học dễ dàng và đơn giản nhất, bất kì ai cũng có thể làm được. Tục ngữ Việt Nam có câu “ Có công mài sắt có ngày nên kim” vậy nên cứ chăm chỉ viết chắc chắn bạn sẽ thuộc nhanh chóng 2 bảng chữ cái này. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kết hợp với cách thứ nhất vì hình ảnh, màu sắc sẽ khiến cho bộ não chúng ta ghi nhớ rất lâu.”

Với phương pháp này chúng ta sẽ quay lại thời mẫu giáo “em bé tập viết” với những cuốn tập viết có nhiều ô vuông và những chữ cái được chấm sẵn, chúng ta chỉ cần đồ theo để quen với nét viết từng chữ cái. Sau khi quen với nét chữ rồi, chúng ta sẽ tự ghi chữ vào giữa các ô vuông. Trong quá trình viết, bạn đừng quên đọc nhẩm theo để không quên mặt chữ và cách phát âm.

Thời gian học tốt nhất chúng ta nên dành khoảng 30-45 phút mỗi ngày để hoàn thành 2 trang giấy.

Tuy nhiên, phương pháp này khá đơn giản nhưng lại dễ gây chán nản cho người học.

Vậy để bớt nhàm chán trong quá trình học chúng ta có thể sử dụng theo cách thứ ba sau:

Flashcard

 

Flashcard là hình thức học qua cách sử dụng các tấm bìa cứng nhỏ để ghi lại chữ kèm theo đó là hình ảnh ví dụ minh họa cụ thể. Bạn có thể mua chúng ngoài nhà sách, còn nếu như bạn không có sẵn bộ flashcard, thì hãy sử dụng tấm bìa cứng , cắt ra thành từng ô vuông nhỏ. Bạn làm chúng thành 2 bộ với 2 bảng chữ cái Hiragana và Katakana. Với bộ Hiragana mặt trước ghi chữ cái Hiragana, mặt sau ghi cách đọc. Khi học trộn tất cả các tấm bìa lại với nhau. Học theo từng tấm bìa một. Cái nào chưa nhớ hoặc khó nhớ thì các bạn để riêng ra 1 chỗ, sau đó đọc lại. Cứ lặp đi lặp lại như thế đến khi “tập bìa bị để ra vì chưa thuộc” không còn 1 cái nào là được. Tương tự, bạn cũng viết chữ katakana ở mặt trên tấm bìa. Nhưng lần này mặt sau là chữ Hiragana tương ứng. Như vậy bạn có thể vừa học được Katakana và trần được lại Hiragana. Hơn nữa điều này giúp bạn tránh nhầm lẫn 2 bảng chữ cái tiếng Nhật với nhau trước khi học thuộc hết chúng. Nếu bạn là người có năng khiếu vẽ, thì bạn có thể sáng tạo thêm bằng cách vẽ những hình ảnh yêu thích có liên quan đến chữ viết đó, điều này sẽ khiến bạn càng dễ dàng và thích thú hơn trong việc học chữ. Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên dùng flashcard để học cùng với bạn bè. Có thể tổ chức các trò chơi nối chữ không những giúp bạn nhớ chữ cái mà còn tăng thêm vốn từ vựng của mình.

Phương pháp cho chúng ta hiệu quả học rất tốt, rút ngắn thời gian nhớ mặt chữ. Tuy nhiên, bạn lại khó nhớ được cách viết vì vậy bạn nên kết hợp các cách trên để đạt hiệu quả tối ưu nhất.

HỌC CHỮ KANJI

Khi tham gia học tiếng Nhật có lẽ các bạn cũng đã tìm hiểu sơ qua về tiếng Nhật cũng biết được ngoài 2 bảng chữ cái Hiragana và Katakana thì Kanji được mệnh danh là “ nỗi ám ảnh kinh hoàng” đối với người học tiếng Nhật.

 

2. Cách học hiệu quả nhất:

        Học Kanji trước rồi mới học từ vựng

        Học từ vựng theo hiragana trước rồi mới học Kanji.

Theo kinh nghiệm học tiếng Nhật của nhiều người, đa số mọi người đều cho rằng khi mới học thì bạn nên học từ vựng trước. Khi đã có một khối lượng từ vựng cơ bản thì bạn mới bắt đầu chuyển sang học Kanji.

Với cuốn giáo trình Kanji Look and Learn có nhiều hình ảnh ví dụ rất dễ nhớ. Khi đọc cuốn giáo trình này bạn sẽ học được cách liên tưởng và hình dung các từ Kanji, giúp cho bạn dễ nhớ trong việc học chữ Hán. Hình ảnh trong cuốn sách này rất bắt mắt, và sinh động tạo hứng thú trong việc học. Với cách học này áp dụng cho 500 chữ Kanji cơ bản sẽ đạt hiệu quả rất cao. Đây là tiền đề cho các bạn học tiếp những chữ Kanji sau này. Khi bắt đầu học lên cao hơn thì việc thực hiện cách học này chỉ giúp bạn nhớ được một phần nào đó, bạn nên kết hợp thêm với phương pháp học khác vì chữ Kanji ngày càng phức tạp, có nhiều nét chữ, lúc này bạn sẽ không thể thuộc hết nổi. Sau khi đã đạt được mức độ cơ bản thì bạn nên bắt đầu học từ vựng và Kanji song song cùng nhau, vừa học vừa đọc. Bạn nên bắt đầu đọc các văn bản tiếng Nhật, tra từ trong các văn bản rồi học và học cả các chữ Kanji trong đó. “Trăm hay không bằng tay quen” khi gặp nhiều bạn sẽ tự động nhớ được, cả chữ Kanji, cách đọc và ý nghĩa.

Học Kanji cách hữu hiệu nhất vẫn là bằng hình ảnh và những câu chuyện. Bạn có thể bắt đầu từ những câu chuyện cổ tích bằng tiếng Nhật. Ngoài ra, trong quá trình học bạn cũng có thể tự sáng tạo ra câu chuyện liên quan đến từ vựng đó. Khi học, bạn có thể liên tưởng đến con vật hoặc đồ vật thân thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Việc ôn tập lại các từ vựng đã học là điều rất quan trọng để giúp bạn tăng lượng vốn từ của mình.

Sau khi đã nắm được kha khá ngữ pháp và Kanji thì lúc này bạn nên đọc thật nhiều tiểu thuyết, đây là cách hay để luyện từ vựng lẫn ngữ pháp mà còn giúp bạn giải trí. Bạn có thể dùng Mazii để hỗ trợ bạn trong việc tra từ trong quá trình đọc. Khi tra từ bạn nên cố gắng viết từ đó ra nhiều lần để học cả cách viết từ mới đó.

LUYỆN NGHE

Luyện nghe tiếng Nhật là một trong những kỹ năng vô cùng khó khăn. Do đó, để giao tiếp tiếng Nhật và tham gia luyện thi tiếng Nhật JLPT đạt kết quả tốt thì phải có một phương pháp luyện nghe tiếng Nhật hiệu quả.

 

Chúng ta sẽ có 6 bước để luyện nghe:

Bước 1: Bật máy lên nghe và trả lời câu hỏi trong sách. Sau khi nghe lần 1 thì chọn đáp án, sau đó nghe lại lần 2 xác định lại đáp án của mình và ta sẽ chuyển sang bước kế tiếp.

Bước 2: Ở bước này bạn chỉ việc kiểm tra lại đáp án của mình và đọc lại nội dung để hiểu khái quát nội dung.

Bước 3: Nghe 2 lần không nhìn phụ đề để kiểm tra xem ta có thể nghe được bao nhiêu phần trăm nội dung chi tiết. Khi đã quen thì ta chỉ nghe 1 lần là được.

Bước 4: Đến bước này bạn sẽ vừa nghe vừa nhìn phụ đề khoảng 2 lần nữa.Tập trung nghe những những từ mới mà ta chưa học.

Bước 5: Sau khi nghe và nhìn phụ đề như thế thì bạn có thể đọc theo giọng băng đọc khoảng 2 lần để luyện phát âm và ngữ điệu giống như người Nhật. Có thể nói đây là bắt chước người bản xứ.

Bước 6: Bước cuối cùng này bạn không được nhìn phụ đề mà vừa nghe vừa nói theo giọng của máy để bắt kịp nhịp độ của băng đang chạy.

Tóm lại với 1 đoạn hội thoại bạn nên nghe 10 lần và một đoạn như vậy sẽ mất khoảng 15 phút. Thời gian không dài nhưng sẽ nắm bắt được toàn bộ đoạn hội thoại, nghe được tất cả các chi tiết dù là nhỏ nhất và hơn nữa còn có thể luyện nói theo giọng chuẩn của người Nhật.

Điều cần lưu ý là khi các bạn nghe thì nên nghe đúng theo tốc độ của máy. Không nên tua lại đĩa bởi vì khi thi thật bạn không thể tự mình điều khiển được tốc độ chạy của đĩa. Hơn nữa giữa các câu hỏi không có nhiều thời gian để suy nghĩ. Trường hợp không tìm ra câu trả lời, hãy cố gắng đoán, rồi nhanh chóng chuyển sang câu tiếp theo. Đừng nên xem lại các câu trả lời trước trong khi đã chuyển sang phần của câu hỏi tiếp theo.

ĐỌC HIỂU NHANH

Để đọc hiểu nhanh thì sau khi có một vốn từ và ngữ pháp câu nhất định, chúng ta cũng cần nên có những bí quyết nhỏ để có thể học tập tốt hơn.

 

Thứ nhất, hãy xem qua những thông tin mấu chốt (như là tiêu đề, từ vựng được chú thích bên dưới đoạn văn…) trước khi đọc. Hiểu được chủ đề đoạn văn, khả năng lý giải sẽ tốt hơn.

Thứ hai, hãy chú ý đến từ xuất hiện nhiều nhất, nó chính là từ khóa. Vì một đoạn văn sẽ cố giải thích cho từ khóa nên tìm hiểu kĩ về nó.

Thứ ba, đối với câu có phần gạch dưới thì ta chú ý đến câu đứng trước và sau phần gạch đó, vì nó sẽ gợi ý cho ta đáp án trả lời câu hỏi.

Thứ tư, bạn cần tập trung vào những câu diễn đạt mang ý nghĩa phủ định lại những câu trước. Đây chính là quan điểm của người viết muốn đưa ra cho cả toàn đoạn văn, là câu chủ chốt để cho ta biết chọn phương án trả lời.

Thứ năm, nếu có xuất hiện từ nối mang nghĩa trái ngược như từ ‘tuy nhiên” thì đoạn văn ngay sau những từ này thường có nội dung rất quan trọng (thường đáp án nằm ở phần này)

Thứ sáu, những câu mang tính chất định nghĩa, thường sẽ là những câu nằm ở đầu đoạn văn với cấu trúc ngữ pháp “ …nghĩa là… ” thì ta nên gạch chân làm điểm nhấn vì nó sẽ hỗ trợ cho phần trả lời phía sau.

Thứ bảy, trường hợp nội dung diễn đạt bằng ví dụ được hỏi trong đề thi, thì nhất định sẽ có phần giải thích nội dung ngay sau ví dụ đó. Chỉ cần nắm bắt phần nội dung này sẽ hiểu được chính xác ý nghĩa ví dụ được đưa ra trước đó.

Những câu cần phải chú ý  

本文の内容と合っていないのはどれですか

(Honbun no naiyou to atte inai no wa dore ka )

著者の考えでないのはどれですか

(Chosha no kangaedenai no wa dore ka)

本文の内容と違うのはどれですか

(honbun no naiyou to chigau no ha dore ka)

…ではないのはどれですか

… (de ha nai no ha do re desu ka)

…について一番良かったのはどれですか

…(ni tsuite ichiban kata no ha dore desu ka)

…について問題点のはどれですか

… (ni tsuite mondaiten no ha dore desu ka)

著者の意見ではないのはどれですか

(chosha no iken de ha nai no ha dore desu ka)

Những câu trên đây đánh đố khả năng nắm bắt và hiểu nội dung toàn bài, đây là phần làm cho ta phân vân không biết chọn đáp án nào cho phù hợp. Đây là phần chiếm điểm số khá cao trong đề thi nên chúng ta cần phải tập trung vào những câu hỏi như thế này. Cách hay nhất là các bạn nên đánh dấu lại để không bị nhầm lẫn.

 

Trên đây là tổng hợp những kinh nghiệm học tiếng Nhật cho những bạn mới bắt đầu học đến những bạn muốn luyện thi JLPT. Các bạn có thể tham khảo và chắt lọc những điều phù hợp với mình để tạo ra những kinh nghiệm riêng cho bản thân, phục vụ tôt cho quá trình học cũng như tham gia các kì thi. 

CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN HỢP TÁC GIÁO DỤC QUỐC TẾ TRÍ VIỆT

Quý phụ huynh và học sinh quan tâm và còn thắc mắc về các vấn đề liên quan đến ngành học, trường học, du học các nước, học bổng, visa,... xin vui lòng để lại thông tin bên dưới. Các chuyên viên của Trí Việt SSD sẽ liên hệ lại với quý khách trong thời gian sớm nhất.

Gửi thông tin

Tin mới nhất

Đăng ký học tại trung tâm
Gửi thông tin
ĐĂNG KÝ